8 mô hình khuyến ngư điển hình
(Thủy sản Việt Nam) - Thời gian qua, nhiều mô hình khuyến ngư do Trung tâm Khuyến nông Quốc gia triển khai đạt được những kết quả rất khả quan. Chúng tôi xin giới thiệu một số dự án điển hình.
Nhiều mô hình khuyến ngư đạt được những kết quả rất khả quan (Ảnh: ST)
1. Nuôi tôm sú bán thâm canh, đảm bảo ATTP
Dự án xây dựng với quy mô 45 ha, có 45 hộ tham gia, dự án triển khai tại 9 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái bình, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Thừa Thiên - Huế, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau. Dự án nuôi triển khai ở các vùng triều khác nhau (cao triều và thấp triều), lợi nhuận của vùng cao triều là gần 200 triệu đồng/ha/vụ; vùng hạ triều 120 - 130 triệu đồng/ha/vụ, hiệu quả cao hơn ngoài mô hình ít nhất 20%. Năm 2018, nhân rộng trên 50 mô hình.
2. Nuôi TTCT theo VietGAP
Dự án đã xây dựng được 3 mô hình tại 3 tỉnh, gồm Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị với quy mô là 4,5 ha. Ao nuôi tôm áp dụng VietGAP đã cho năng suất đạt trung bình gần 11 tấn/ha (không mô hình nào bị dịch bệnh), sau khi trừ chi phí thu lãi 400 - 500 triệu đồng/ha. So mô hình nuôi tôm khác, dự án này đã làm tăng tỷ lệ sống, tiết kiệm chi phí thuốc, hóa chất, kháng sinh, thức ăn và hạn chế bệnh dịch, từ đó lợi nhuận đã tăng 25% so ngoài mô hình. Mô hình được đông đảo người dân quan tâm nhân rộng và làm theo do hạn chế dịch bệnh, không có tác động xấu đến môi trường nuôi và sản phẩm TTCT đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, được các doanh nghiệp thu mua sản phẩm ưu tiên mua trước. Năm 2018, nhân rộng được trên 20 mô hình.
3. Nuôi TTCT thương phẩm đạt năng suất cao vụ thu đông ở các tỉnh miền Bắc
Dự án xây dựng được 5 mô hình tại 5 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thừa Thiên - Huế, năng suất đạt 12 - 15 tấn/ha, doanh thu 1,8 - 2 tỷ đồng/ha/vụ; tập huấn 10 lớp với 345 học viên; 5 hội thảo đầu bờ với 252 đại biểu; tổng kết nhân rộng mô hình cho 215 đại biểu. Năm 2018, nhân rông thêm 19 mô hình. Ưu điểm của mô hình là tôm ít bệnh, bán được giá cao, hiệu quả cao hơn 1,2 - 1,5 lần nuôi chính vụ.
4. Mô hình liên kết nuôi cá rô phi theo VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm
Dự án xây dựng được 8 mô hình và đánh giá cấp chứng nhận theo VietGAP tại 8 tỉnh, gồm Bắc Giang, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh. Với quy mô 24 ha, có 24 hộ tham gia, đạt 100% kế hoạch. Tổng sản lượng đạt 400,8 tấn, hiệu quả tăng cao hơn 20% so ngoài mô hình, bình quân thu lợi nhuận 90 triệu đồng/ha/vụ. Sản phẩm cá rô phi đạt an toàn vệ sinh thực phẩm và được các doanh nghiệp tiêu thụ 100%, tạo cơ hội xuất khẩu ra nước ngoài. Điểm mới của mô hình là gắn với tiêu thụ sản phẩm đã mang lại hiệu quả rất tích cực. Dự án đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo và có trên 40 tin, bài quảng bá trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng. Diện tích mô hình được nhân rộng lên 100 ha.
5. Nuôi cá tầm, cá lăng, cá điêu hồng trong lồng bè đảm bảo ATTP tại một số tỉnh miền núi phía Bắc
Dự án xây dựng mô hình tại 7 tỉnh có điều kiện phát triển nuôi cá lồng như: Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Bắc Cạn, Cao Bằng,Tuyên Quang, Hòa Bình. Với quy mô 1.400 m3 lồng, đối tượng dễ nuôi, nhanh lớn, có giá trị kinh tế cao, lợi nhuận thu được bình quân 800.000 đồng/m3 lồng/vụ. Năm 2018, nhân rộng thêm 40 mô hình. Dự án triển khai chủ yếu tại các vùng khó khăn và tập huấn hướng dẫn cho đồng bào dân tộc thiểu số nên có ý nghĩa cao trong xóa đói giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
6. Nuôi tôm càng xanh trên vùng đất chuyển đổi
Dự án được triển khai trên diện tích 100 ha cho 71 hộ tham gia, tại 4 tỉnh có tiềm năng nuôi tôm càng xanh lúa: Sóc Trăng, Bến Tre, CầnThơ, Kiên Giang. Năng suất tôm thu từ nuôi xen canh 650kg/ha/vụ; luân canh đạt 1,7 tấn/ha/vụ. Tôm nhanh lớn, không dịch bệnh, được nông dân hưởng ứng và nhân rộng nhanh sang các vùng lân cận. Dự án đã chuyển giao kỹ thuật nuôi tôm - lúa cho bà con tại các vùng đất cấy lúa bấp bênh, năng suất thấp sang nuôi kết hợp đạt hiệu quả kinh tế cao hơn so trồng lúa đơn thuần 2 - 3 lần, tăng khoảng 1,5 lần so với nuôi tôm càng xanh - lúa bình thường, nuôi xen canh lãi 74 triệu đồng/ha/vụ; nuôi luân canh lãi 150 triệu đồng/ha/vụ.
7. Ứng dụng giải pháp công nghệ mới về khai thác và bảo quản sản phẩm nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế của đội tàu khai thác hải sản xa bờ
Dự án triển khai tại 4 tỉnh: Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình; Xây dựng 4 hầm bảo quản cho 4 tàu, với 4 hộ tham gia. Sau khi lắp hầm bảo quản bằng chất liệu mới (PU) trên tàu khai thác xa bờ, thu nhập tăng lên 20 - 30 triệu đồng/chuyến biển, giảm tổn thất sau thu hoạch từ 25 - 30% xuống còn dưới 15%. Đặc biệt, cá được bảo quản bằng hầm mới nên đảm bảo chất lượng, giá bán cao hơn hầm cũ 10.000 đồng/kg, lợi nhuận tăng hơn 15% so với ngoài mô hình. Hầm bảo quản mới có tuổi thọ cao hơn 4 - 5 lần hầm bảo quản truyền thống. Hiện, đang được các chủ tàu áp dụng nhiều.
8. Cơ giới hóa nghề lưới chụp cho các đội tàu khai thác hải sản xa bờ
Dự án triển khai tại 7 tỉnh: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Bình Thuận, giúp tăng năng suất khai thác 9 - 22 tấn/chuyến biển, cao hơn so với các tàu lắp tời ma sát truyền thống 1,2 - 1,4 lần; Lợi nhuận 60 - 270 triệu đồng/tàu/chuyến, cao hơn tàu lắp tời ma sát truyền thống 1,2 - 1,5 lần; Thu nhập của người lao động cũng tăng hơn tàu không tham gia mô hình 1,2 - 1,6 lần; Nhân lực giảm 2 - 3 thuyền viên so với tàu không lắp tời thủy lực. Dự án tập huấn 14 lớp với 455 học viên tham dự; tổng kết 7 cuộc với 245 đại biểu tham dự. Năm 2018, nhân rộng hơn 100 tàu.
>> Năm 2018, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia tổ chức thành công 26 sự kiện, trong đó, 22 Diễn đàn khuyến nông @ nông nghiệp thu hút 5.195 đại biểu, trong đó 3.309 nông dân sản xuất; 834 câu hỏi được trao đổi. Phương pháp tổ chức tiếp tục đổi mới theo hướng tăng cường tại cơ sở kết hợp tư vấn trực tiếp cho người dân tại mô hình hoặc trên từng mẫu vật cụ thể, góp phần nâng cao khả năng tiếp cận thông tin và hiệu quả tư vấn khuyến nông, có sự tương tác cao.
Nguồn - Tạp chí thủy sản - Kim Văn Tiêu - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia