Cấy men vi sinh vào bể ương bao lâu trước khi thả tôm thẻ?
Ở Ecuador, một thực hành phổ biến trong ương tôm postlarvae (PL) trong bể tròn hoặc hệ thống ương Raceway là việc bổ sung men vi sinh vào nước chỉ vài giờ trước khi thả tôm (trước tối đa 24 giờ). Điều này đặt ra câu hỏi, vậy nó có đủ thời gian để tận dụng tối đa lợi ích của men vi sinh không?
Để trả lời câu hỏi này, một nghiên cứu đã được thực hiện tại Đại học Kỹ thuật Machala chứng minh rằng việc bổ sung (cấy) men vi sinh vào nước –với thời gian dài hơn 24 giờ trước khi thả tôm sẽ có ảnh hưởng tích cực và mang lại lợi ích cho tôm PL.
Khi được đưa vào môi trường nuôi cấy, men vi sinh đã chứng minh hiệu quả trong việc cạnh tranh và kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn gây bệnh, cũng như thúc đẩy sự phát triển của các sinh vật nuôi cấy. Ngoài việc cạnh tranh và loại trừ các vi sinh vật gây hại, men vi sinh còn có tác dụng tích cực trong việc xử lý và biến đổi chất thải trong bể nuôi, đó là lý do tại sao chúng trở thành một trong những công cụ tốt nhất trong sản xuất ấu trùng tôm.
Thử nghiệm tiến hành như thế nào?
Thử nghiệm này đã sử dụng hỗn hợp hai loại men vi sinh thương mại. Một loại có thành phần bao gồm Bacillus sp., Pediococcus sp., Enterococcus sp., Lactobacillus sp và tổng số vi khuẩn được bảo đảm không dưới 3 × 1012 CFU/kg. Loại thứ hai, thành phần bao gồm Bacillus sp., Enterococcus sp., Pediococcus sp., Thiobacillus sp., Paracoccus sp. với tổng số được bảo đảm không dưới 2 × 1012 UFC/kg. Tỷ lệ của hỗn hợp là 5 ppm của chế phẩm sinh học đầu tiên và 2 ppm của chế phẩm sinh học thứ hai.
Để thiết lập nếu thời gian cấy vi khuẩn trong nước có ảnh hưởng đáng kể đến các thông số sản xuất, một thiết kế thí nghiệm hoàn toàn ngẫu nhiên bao gồm 8 bể 200 lít với nước từ cùng nguồn. Với các khoảng thời gian thêm vào nước là 48, 72 và 96 giờ trước khi thả tôm giống PL vào hệ thống ương dưỡng.
Với nhóm tôm đối chứng, hai bể này có chế phẩm sinh học được cấy vào nước 24 giờ trước khi thả tôm ấu trùng. Sau 4 khoảng thời gian trên, ấu trùng (PL8) được thả đồng thời trong tất cả các bể với mật độ 50 PL/L (1.000 PL/bể).
Thời gian nuôi thử nghiệm kéo dài 12 ngày. Tại thời điểm thả giống và cứ sau bốn ngày, các mẫu ngẫu nhiên được với 15 - 30 PL được thu thập từ mỗi bể, để đo kích thước và trọng lượng của chúng. Vào cuối cuộc nghiên cứu, tỷ lệ sống sót chung trong mỗi bể được ghi lại.
Kết quả
Trong quá trình thử nghiệm các giá trị hóa lý trung bình của các bể thí nghiệm khá ổn định: nhiệt độ nước: 26,20 ± 0,54oC; độ mặn: 27 Ups; pH: 8,82 ± 0,39; amoni: 0,61 ± 0,25 mg/L; và oxy hòa tan: 7,06 ± 0,07mg/L.
Kết quả đã xác định trọng lượng trung bình của tôm PL lớn nhất ở nhóm bổ sung men vi sinh trước 96 giờ > 72 giờ> 48 giờ >24 giờ.
Hình 2 minh họa khác biệt của những giá trị trọng lượng tôm PL giữa các nghiệm thức.
Kết quả cũng cho thấy có sự khác biệt chiều dài tôm PL giữa 24 và 48 giờ với 72 giờ và 96 giờ trước khi thả tôm. Chiều dài trung bình của tôm PL lớn nhất ở nhóm bổ sung men vi sinh trước 96 giờ sau đó đến 72 giờ> 48 giờ >24 giờ.
Hình 4: Đường hồi quy cho chiều dài (Length) và trọng lượng (Weight) của tôm PL với 4 khoảng thời gian bổ sung men vi sinh trước khi thả giống.
Việc bổ sung men vi sinh vào nước nuôi 96 giờ trước khi thả tôm cũng cho thấy tốc độ tăng trưởng cao hơn so với nhóm khác. Riêng tỷ lệ sống sót của tôm PL thì nhóm 72 giờ là cao nhất.
Hình 5: Sự sống sót của tôm PL trong mỗi nhóm điều trị.
Kết luận:
Kết quả thu được trong nghiên cứu này cho thấy, ở quy mô thực nghiệm, việc bổ sung men vi sinh vào nước trước khi thả tôm thẻ chân trắng ấu trùng sẽ có tác động tích cực đến sự tăng trưởng, chiều dài và trọng lượng của chúng khi được thả trong bể với thời gian bổ sung chế phẩm sinh học lâu hơn (từ 72 đến 96 giờ trước khi thả ấu trùng tôm).
Jaime A. Rodríguez A. và Mauro Nirchio T./aquaculturealliance
Nguồn: https://tepbac.com/tin-tuc/full/cay-men-vi-sinh-vao-be-uong-bao-lau-truoc-khi-tha-tom-the-28244.html
VĂN THÁI (Lược dịch)