Thủy sản chết hàng loạt vì nắng nóng

(Thủy sản Việt Nam) - Những ngày qua, nắng nóng kéo dài trên khắp cả nước khiến nhiều đối tượng thủy sản ở một số địa phương chết hàng loạt, gây thiệt hại không nhỏ cho người nuôi.

 

Sa Pa

Nắng nóng kéo dài, mưa ít, nhiệt độ luôn ở mức cao kể từ sau Tết Nguyên đán 2019, khiến tình trạng hạn hán ở đây xảy ra gay gắt. Hầu hết nước ở các khe, suối đều cạn kiệt nên nhiều bể nuôi cá hồi thiếu nước trầm trọng, các hộ nuôi phải tái sử dụng nước theo kiểu quay vòng, chất lượng nước không đảm bảo dẫn đến tình trạng cá bị chết.

Trang trại nuôi cá hồi ở khu vực Thác Bạc của ông Trần Chung Hưng, từ đầu tháng 4 đến nay có 33.000 cá giống và 200 kg cá thương phẩm bị chết. Ông Hưng cho biết thêm, nhiều bể cá thương phẩm của các hộ nuôi ở xã Bản Khoang, Tả Giàng Phình, Tả Phìn, San Sả Hồ… cũng đã xuất hiện tình trạng cá chết.

Tại Trung tâm Nghiên cứu cá nước lạnh Sa Pa, từ đầu năm đến nay đã có 20.000 cá hồi giống và hơn 300 kg cá thương phẩm bị chết, thiệt hại ước tính gần 1 tỷ đồng. Mọi năm, đến tháng 4, Trung tâm xuất bán gần 40.000 cá giống cho trên 50 hộ nuôi, nhưng năm nay cá chết quá 2/3 nên có thể sẽ thiếu giống phục vụ bà con. Hiện, Trung tâm đang tăng cường tiết kiệm và vệ sinh nguồn nước, tăng cường sục ôxy trong ao để đảm bảo sức khỏe cho cá, nhất là cá mới ương và đang thời kỳ thu hoạch.

Thống kê của Phòng NN&PTNT huyện Sa Pa, toàn huyện hiện có hơn 60 cơ sở, với hơn 30.000 m3 bể, ao nuôi cá hồi. Đến nay, chưa có thống kê đầy đủ số liệu thiệt hại, nhưng, ngay khi xuất hiện tình trạng cá chết, ngành nông nghiệp huyện đã có văn bản hướng dẫn biện pháp phòng, chống nắng nóng và bệnh cho cá hồi đến người nuôi.

Thừa Thiên - Huế

Tại xã Phú Xuân (huyện Phú Vang), xuất hiện hiện tượng tôm sú chết rải rác chủ yếu tôm 30 - 40 ngày tuổi. Tôm có dấu hiện lờ đờ rồi chết, dạt vào bờ; kiểm tra cho thấy đã xuất hiện bệnh đốm trắng.

Tại thị trấn Thuận An (huyện Phú Vang) cũng xảy ra tình trạng cá chết, do nguồn nước quá nóng dẫn đến thiếu ôxy. Đã có 10 hộ tại thị trấn với khoảng 30 lồng xảy ra hiện tượng cá lờ đờ, chết; trong đó, hộ ông Lê Văn Thuận với 3 lồng nuôi, có hơn 1.000 cá mú, hồng mỹ, dìa… 5 tháng tuổi bị chết. Các hộ nuôi đã chủ động sử dụng máy sục khí tạo ôxy trong quá trình xảy ra nắng nóng để bảo vệ an toàn thủy sản nuôi.

Chi cục Thủy sản tỉnh khuyến cáo, các hộ cần tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C, men tiêu hóa, khoáng; Kiểm tra và theo dõi sức khỏe vật nuôi, môi trường nước trong ao hàng ngày để có biện pháp xử lý kịp thời, duy trì mực nước trong ao trên 1,2 m trong những ngày nắng nóng.

Kiên Giang

Hiện, đang là cao điểm mùa khô hạn ở ĐBSCL, thời tiết nắng nóng gay gắt kéo dài, chênh lệch nhiệt độ ngày và đêm lớn, cùng đó là việc xuất hiện mưa trái mùa khiến tôm nuôi bị sốc môi trường và dịch bệnh.

Tại Kiên Giang, tính đến giữa tháng 4, toàn tỉnh đã thả nuôi được 119.461 ha tôm nuôi nước lợ, trong đó đã phát hiện 61 ổ dịch bệnh đốm trắng và 12 ổ dịch hoại tử gan tụy cấp tính, với tổng diện tích thiệt hại là 370 ha. Đáng chú ý, chỉ hơn 10 ngày đầu tháng 4, toàn tỉnh phát hiện thêm 26 ổ dịch bệnh đốm trắng và hoại tử gan tụy cấp tính, tăng rất nhanh so những tháng đầu năm. Chi cục Thủy sản Kiên Giang đã xuất cấp miễn phí gần 8,7 tấn hóa chất Chlorine cho 55 hộ nuôi.

Tại An Minh, toàn huyện đến nay đã thả nuôi được 101.536 ha thủy sản, trong đó 47.832 ha tôm sú, 46.946 ha cua biển, còn lại là sò huyết, nghêu, vẹm… Diện tích thu hoạch chính vụ đến nay là 17.322 ha, sản lượng đạt 8.200 tấn. Diện tích còn lại chưa thu hoạch, do nắng nóng đã làm 1.048 ha tôm nuôi bị thiệt hại, trong đó thiệt hại dưới 30% là 281 ha, 30 - 70% là 616 ha và trên 70% là 151 ha. Huyện đã cấp phát 4,3 tấn Chlorine cho các hộ bị thiệt hại để xử lý môi trường, hạn chế lây lan.

Tại huyện An Biên, tình hình tôm chết cũng có dấu hiệu tăng nhanh, đã có 53 ha tôm nuôi của 26 hộ bị đốm trắng, trên 410 ha bị thiệt hại và ảnh hưởng do môi trường.

>> Thời gian tới, tình hình nắng nóng sẽ diễn ra thường xuyên và nhiệt độ còn tăng cao hơn, vì thế, người nuôi thủy sản cần có những biện pháp đối phó thích hợp, thực hiện nghiêm khuyến cáo của ngành chức năng để tránh thiệt hại.

Nguồn: Tạp chí thủy sản - Trần Vân


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng