Cách chọn tôm giống tốt - Thả giống đúng cách - Đạt tỷ lệ tôm sống cao nhất
Cách chọn tôm giống tốt, quy trình thả tôm giống đạt tỷ lệ tôm sống cao luôn là nỗi trăn trở của bà con. Vì những việc này đóng góp phần lớn vào thành bại của một vụ nuôi. Nếu giống không tốt dẫn đến hao hụt cao, tôm chậm lớn, còi cọc, dễ nhiễm bệnh. Ngược lại, nếu giống tốt nhưng quy trình chuẩn bị và thả nuôi tôm không đúng chuẩn cũng sẽ dẫn đến nhiều vấn đề không như ý.
Trong bài chia sẻ hôm nay, chuyên gia của chúng tôi sẽ giúp bà con giải đáp tường tận những thắc mắc trên, mời bà con theo dõi.
1. Cách chọn tôm giống tốt
Bà con lưu ý, chỉ mua tôm giống có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, con giống được kiểm dịch, có kích cỡ đồng đều, số lượng tôm lệch size không vượt quá 5%.
Kiểm tra tôm giống bằng cảm quan:
Tôm giống có chiều dài ≥10mm. Hình thái ngoài hoàn chỉnh không bị dị hình, chùy, râu thẳng, đuôi xòe. Màu sắc sáng trong, vỏ bóng mượt. Râu thẳng kéo dài đến đuôi. Phản ứng nhanh nhẹn khi có tác động đột ngột. Phản ứng bắt mồi đều đặn, ruột đầy.
Kiểm tra trên kính hiển vi các phụ bộ, như chùy, râu, chân ngực, chân bụng, chân đuôi, đốt đuôi không có nguyên sinh động vật ký sinh. Không có các tổn thương trên vỏ tôm.
Phản xạ: Nhìn vào bể, tôm hoạt động mạnh, bơi lội nhiều, bám thành bể, khi đưa vào chậu chứa khoảng 10 lít nước, xoay tròn dòng nước, tôm bơi tủa ra xung quanh và bơi ngược dòng, không tụ vào giữa chậu khi dòng nước ngừng xoay.
Phương pháp gây sốc:
Tôm giống sống trong bể có độ mặn từ 30 - 33‰. Lấy tôm cần kiểm tra cho vào cốc thủy tinh 300ml, tiến hành hạ đột ngột độ mặn xuống 15‰, theo dõi trong vòng 1 - 2 giờ, nếu tỷ lệ sống được 90% là đạt yêu cầu.
Ngoài ra, bà con nên gửi mẫu đến các phòng thử nghiệm của chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh để test kiểm tra các chỉ tiêu trước khi mua giống.
2. Chuẩn bị môi trường nuôi
Tôm là loài khó nuôi, nhạy cảm với thời tiết. Bà con nên chú ý tạo môi trường nuôi thích hợp và hạn chế các tác nhân làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng của tôm. Cần theo dõi các thông tin quan trắc, cảnh báo về dịch bệnh trong khu vực trước khi tiến hành thả giống.
Bà con cần đảm bảo các yếu tố môi trường nước, đất ao ở ngưỡng cho phép:
- Độ mặn 10 - 20‰
- Độ trong 30 - 35 cm
- Độ sâu 1,2 - 1,5m
- Oxy hòa tan từ 5 mg/l trở lên
- Độ pH 7.5 – 7.8, biến động sáng và chiều không quá 0.5 độ
- Không có khí độc H2S, NO2, NH3
Ao nuôi trước khi thả giống cần được bổ sung các dòng vi sinh có lợi để gây màu trà cho nước, bà con có thể sử dụng dòng vi sinh O3 đang phổ biến trên thị trường hiện nay. Có điều kiện nên bổ sung thêm vitamin, khoáng chất đề phòng tôm bị sốc khi thả.
3. Cách thả tôm giống đạt tỷ lệ sống cao
Trước khi thả giống
Trước khi thả tôm cần báo cho trại giống độ mặn của ao nuôi trước 2 - 3 ngày để điều chỉnh độ mặn, độ pH. Bà con khống chế sự chênh lệch độ mặn giữa ao nuôi và độ mặn trong bể giống không quá 5‰.
Toàn vùng nuôi nên tập trung thả giống trong 3 – 4 ngày. Trước khi thả giống cần chạy quạt nước từ 8 – 12 giờ để đảm bảo lượng oxy hòa tan trong ao phải lớn hơn 4 mg/l đối với tôm sú và 6 mg/l đối với tôm thẻ chân trắng, sau đó tắt quạt và tiến hành thả tôm giống.
Trong khi thả giống
Nên thả tôm giống vào những ngày nắng nhẹ, tránh những ngày mưa hoặc gió mùa, thời gian thả vào lúc sáng sớm hoặc chiều mát để tránh làm tôm bị sốc. Thả tôm ở đầu gió để tôm dễ phân tán khắp ao.
Khi tôm giống được vận chuyển về tới ao cần cho túi chứa tôm xuống ao ngâm trong 15 - 20 phút để cân bằng nhiệt độ giữa túi chứa tôm và nhiệt độ môi trường ao nuôi.
Cách 1: Sau khi túi giống đã cân bằng nhiệt độ, mở bao cho tôm bơi ra từ từ. Nên thả giống cách bờ khoảng 2 - 3m, thả nhiều điểm nhằm tạo sự phân tán đều trong ao.
Cách 2: Chuẩn bị thau lớn có thể tích khoảng 20 lít và máy sục khí. Đổ các bọc tôm vào thau, mật độ khoảng 10.000 con/thau và sục khí. Cho thêm nước ao vào thau từ từ để tôm thích nghi dần. Sau 10 – 15 phút nghiêng thau cho tôm bơi ra. Theo cách này những con giống chết trong quá trình vận chuyển sẽ còn tụ lại dưới đáy thau.
Một số dấu hiệu cho thấy tôm khỏe và thích nghi với môi trường ao nuôi là tôm bơi lội linh hoạt, tôm bơi chìm xuống đáy ao, không bám theo mé nước, không nổi trên mặt nước.
Bà con nên bổ sung thêm các sản phẩm khoáng, vitamin c như SUPER C TẠT giúp tôm chống sốc, tăng cường sức khỏe, tăng sức chịu đựng khi thời tiết và môi trường thay đổi.
4. Quản lý việc cho ăn
Bà con không nên cho tôm ăn thức ăn tươi sống như cá, nhuyễn thể, trứng nghiền,... trong giai đoạn mới thả, vì tôm chưa hấp thu được và còn tạo điều kiện cho vi khuẩn gây bệnh phát triển trên phần thức ăn dư thừa.
Sau khi thả 2 - 4 giờ, cần cho tôm ăn ngay. Trong 10 ngày đầu, cho tôm ăn cám công nghiệp dạng bột mịn. Thức ăn cần trộn vào nước, tạt xuống ao và tắt bớt quạt khi cho ăn.
Kiểm tra các yếu tố môi trường như pH, NO2, H2S, NH3 … thường xuyên và có biện pháp xử lý kịp thời. Sau khi thả giống được 10 ngày, có thể sử dụng vi sinh O3 hoặc NITRO 18 xả xuống ao theo quy trình của nhà sản xuất, giúp phân hủy thức ăn thừa, cắt tảo, làm sạch nước, chuyển hóa khí độc, ổn định môi trường.
Ngoài ra, bà con nên kiểm soát chặt chẽ việc cho ăn khi gặp một số tình huống sau:
Cách quản lý thức ăn trong nuôi tôm
Trên đây là quy trình giúp việc chọn tôm giống và thả giống thành công, an toàn, đúng cách. Làm theo những hướng dẫn trên sẽ giúp tôm giống của bà con tăng tỷ lệ sống cao. Chúc quý bà con thành công.
Mọi thắc mắc về kỹ thuật hay thông tin sản phẩm trong bài, bà con vui lòng liên hệ qua Hotline 0911 383 533 để được các kỹ thuật viên của công ty trực tiếp giải đáp.
Chúc quý bà con có vụ mùa bội thu!