Quản lý chất lượng nước trong ao nuôi tôm
Chất lượng nước là yếu tố cực kỳ quan trọng trong nuôi thủy sản; nhưng khó dự đoán và khó kiểm soát. Chất lượng nước quyết định hiệu quả của thức ăn, tốc độ sinh trưởng và tỉ lệ sống của tôm. Tôm chết, bệnh, chậm lớn phần nhiều đều liên quan đến quản lý chất lượng nước.
Người nuôi tôm thuờng nói: "Nuôi tôm là nuôi nước". Để tôm phát triển tốt thì nước phải sạch, không bị ô nhiễm. Chất lượng nước phụ thuộc vào chất lượng nguồn nước, chế độ cho ăn, thời tiết, chế độ quản lý nước ao. Chất lượng nước được đánh giá bằng nhiều thông số sinh, hóa, lý khác nhau; và cần được kiểm tra liên tục để có thể xử lý nước kịp thời để bảo vệ vật nuôi. Dưới đây là một số yếu tố quan trọng cần lưu ý trong quá trình quản lý chất lượng nước.
Quản lý tốt chất lượng nước trong ao nuôi
Yếu tố nhiệt độ ảnh hưởng đến việc quản lý chất lượng nước ao nuôi
Nhiệt độ trong khoảng 26 – 30oC cho năng suất cao nhất, tôm lớn nhanh và tỉ lệ sống cao. Nhiệt độ của nước phụ thuộc vào nhiều yếu tố: ánh nắng mặt trời, gió, mưa và quạt nước. Nắng làm nước nóng lên. Gió có tác dụng khuấy đảo lớp nước mặt. Để bảo đảm ổn định nhiệt độ cho tôm nuôi độ sâu nước nên từ 1,2 m - 1,5 m là thích hợp. Nếu ao quá cạn sẽ bất lợi do nước sẽ quá lạnh vào ban đêm và quá nóng vào ban ngày.
Nhiệt độ càng cao thì nước càng ít oxy; trong khi trao đổi chất trong cơ thể tôm và sự phân hủy các chất bẩn trong nước xảy ra càng nhanh, nghĩa là càng cần nhiều oxy hơn. Do vậy nhiệt độ cao rất nguy hiểm, vì có thể dẫn đến thiếu hụt oxy.
Oxy hòa tan:
Oxy hòa tan là dưỡng khí cho động vật dưới nước. Nước nuôi tôm phải đảm bảo oxy hòa tan > 3 mg/l, nhưng tối ưu là > 5 mg/l.
pH trong quản lý nước ao nuôi:
pH thích hợp cho nuôi trồng thủy sản là 6,5-9,0 tối ưu là 7,5 – 8,5. Vật nuôi chết khi 11 < pH < 4.
pH thấp làm giảm quá trình tích trữ khoáng trong cơ thể tôm làm tôm mềm vỏ hoặc lột xác không hoàn toàn, ngăn cản quá trình tạo các mô của sinh vật. pH phụ thuộc rất lớn quá trình quang hợp và hô hấp. Vì vậy kiểm soát pH cần thông qua kiểm soát mật độ tảo trong ao và lượng CO2 tạo ra do quá trình hô hấp. Nước có pH thấp thì tảo kém phát triển, ngoài ra các động vật phù du làm thức ăn tôm cá thường phát triển tốt trong nước có pH hơi kiềm. Mật độ tảo càng cao thì biến động pH trong ngày càng lớn. Vì vậy cần kiểm soát mật độ tảo vừa phải. Kiểm soát được pH trong khoảng 7.5 – 7.8, và biến động trong ngày của pH<0.5 là tối ưu nhất.
Bên cạnh đó pH còn ảnh hưởng gián tiếp lên NH3 và H2S. Khi pH tăng cao NH3 tăng cao, khi pH giảm xuống thấp H2S có xu hướng tăng.
Độ kiềm:
Độ kiềm là thước đo khả năng giữ pH ổn định và được tính bằng đơn vị mg/l CaCO3. Độ kiềm cho ao tôm nên trong khoảng 100 - 150 mg/l. Độ kiềm cao thì pH ít dao động. Độ kiềm thấp thì pH thay đổi mạnh, bất lợi cho tôm.
Độ trong trong nước ao nuôi:
Nước trong hay đục là do phù sa lơ lửng hay quần thể vi sinh vật (tảo và vi khuẩn). Tảo rất quan trọng, vì tảo vừa là nguồn thức ăn, vừa là nguồn cung cấp và tiêu thụ oxy hòa tan. Có tảo lợi nhưng cũng có tảo hại như tảo lam. Tảo nhiều thì ban ngày oxy hòa tan cao, nhưng đêm oxy hòa tan lại thấp, do đó cần giữ mật độ tảo vừa phải. Đục do phù sa không có lợi cho sự phát triển của tảo, nên cần lắng trước khi gây màu nước (gây tảo). Khi phù sa đã lắng, thì độ trong/đục của nước đặc trưng cho nồng độ tảo. Độ trong 30- 35cm là tối ưu cho nước nuôi tôm.
Hydro sulfua H2S:
Hydro sulfua là khí rất độc đối với tôm và động vật trong đó có người. H2S hình thành do sự phân hủy yếm khí thức ăn thừa, xác cây cỏ và chất thải của vật nuôi, hay từ quá trình phản sulfat hóa yếm khí. Bùn đáy có màu đen và có mùi trứng thối là vì sự hiện diện của H2S. Hàm lượng H2S phụ thuộc vào pH và nhiệt độ nước, H2S tăng khi nhiệt độ giảm và pH giảm. Hàm lượng H2S an toàn cho tôm là < 0,03mg/l. Để tránh sự hình thành nhiều khí H2S gây độc cho ao nuôi cần hạn chế tích lũy hữu cơ ở đáy ao và đảm bảo ao nuôi thoáng khí, đủ hàm lượng oxy hòa tan, tránh hiện tượng yếm khí làm phát sinh H2S.
Ammonia ở dạng tự do (NH3) trong nước ao nuôi:
Ammonia được sinh ra từ quá trình phân hủy chất hữu cơ có chứa N. Ammonia ở dạng tự do (NH3) rất độc đối với tôm cá. Nồng độ NH3 tăng khi pH và nhiệt độ tăng. Hàm lượng NH3 <0,1 mg/L là thích hợp cho tôm cá.
Nitrate (NO3-):
Nitrate không độc và là dưỡng chất để tảo phát triển. Tôm không bị ảnh hưởng bởi nồng độ NO3- ở 900 mg/l. Tuy nhiên NO3- quá cao sẽ dẫn đến hiện tượng phú dưỡng tảo, trong đó có tảo độc phát triển mạnh, làm giảm chất lượng nước. Nói chung, nitrate không phải là vấn đề cần quan tâm, nên thường không cần theo dõi.
Nitrite (NO2-):
Nitrite NO2- là chất độc cho tôm nuôi. Nitrite ngấm vào cơ thể tôm cá qua mang và da. Hàm lượng nitrite thích hợp cho ao tôm là <0,1 mg/l.
Biện pháp quản lý tốt chất lượng nước trong ao nuôi:
1. Cải tạo ao nuôi hoàn chỉnh, bùn và chất cặn bã phải được loại bỏ hoàn toàn ra khỏi ao trước khi bắt đầu vụ mới.
2. Quản lý cho ăn tốt tránh thức ăn dư thừa.
3. Cung cấp đủ oxy trong ao nuôi, bố trí quạt nước hợp lý tránh các “góc chết” trong ao và siphon loại bỏ chất hữu cơ thường xuyên.
4. Bên cạnh đó bà con có thể tham khảo sử dụng sản phẩm vi sinh cao cấp O3 được sản xuất bởi công ty TNHH TM XNK MỸ BÌNH để duy trì ổn định màu nước, khống chế khí độc nằm trong ngưỡng cho phép và duy trì mật độ tảo vừa phải. Cách sử dụng như sau: ủ yếm khí 24 giờ 227g men vi sinh xử lý nước O3 + 10kg mật + 180L nước ao, xả xuống ao lúc 10 giờ đêm mỗi ngày với liều lượng 90L/1000m3 nước ao.
Biện pháp xử lý sự cố khí độc NH3, NO2 trong ao nuôi tôm quá mức:
Bước 1: Ủ suc khí NITRO 18 GOLD hoặc men vi sinh xử lý nước O3 trong 2 -3 h sau đó cấp xuống ao: 1 gói NITRO 18 GOLD hoặc men vi sinh xử lý nước O3 227g+ 3kg mật đường + 50L nước.
Bước 2: Sau 15 phút xả vi sinh, sử dụng YUCCA 100 liều lượng 1L/1000m3 nước.
Hy vọng với những thông tin về một số chỉ tiêu chất lượng nước ao nuôi vừa rồi sẽ giúp quý bà con có thêm kiến thức trong việc quản lý ao nuôi một cách hiệu quả. Mọi thông tin cần tư vấn trực tiếp vui lòng liên hệ theo số điện thoại: 0911 383 533 để được hỗ trợ trực tiếp từ chuyên viên tư vấn kỹ thuật.
Bộ phận kỹ thuật Công Ty TNHH TM XNK Mỹ Bình