Khoáng chất thiết yếu trong nuôi tôm
Nhu cầu bổ sung khoáng chất trong nuôi trồng thủy sản là rất lớn, nhất là đối với tôm, vốn luôn cần chất khoáng để bù đắp cho quá trình lột xác. Hiện nay, tôm được nuôi thâm canh với mật độ cao nhằm tăng năng suất, dẫn đến thường xuyên thiếu hụt khoáng. Tôm có thể hấp thu các chất khoáng này qua thức ăn và môi trường nước ao nuôi.
Khoáng chất thiết yếu cho tôm được chia làm 2 loại, khoáng vi lượng và khoáng đa lượng. Khoáng vi lượng là những nguyên tố hóa học cần thiết cho cơ thể ở lượng rất nhỏ. Cơ thể cần được cung cấp đều đặn các khoáng chất này để hoạt động khỏe mạnh. Khoáng đa lượng thì được đưa vào cơ thể với số lượng lớn hơn.
1. Nhóm khoáng chất đa lượng
Canxi (Ca), Photpho (P) và Magie (Mg)
Ca tham gia vào quá trình đông máu, co cơ, truyền dẫn thông tin thần kinh, duy trì áp suất thẩm thấu. Ca là thành phần thiết yếu của mô cơ và vỏ, kích thích một số enzymes.
P cần thiết cho quá trình hình thành vỏ tôm. P còn có vai trò trong quá trình chuyển hóa năng lượng, sinh trưởng tế bào, duy trì ổn định pH trong cơ thể tôm. P có thể được hấp thu qua mang, vỏ nhưng chủ yếu được hấp thu qua đường ăn.
Mg là chất xúc tác trong các phản ứng quan trọng hoạt hóa enzyme. Đóng vai trò kích thích cơ và thần kinh, tham gia quan trọng trong chuyển hóa đường, đạm, chất béo. Tôm hấp thu Mg từ môi trường nước.
Vai trò của Natri (Na), Clorua (Cl), Kali (K):
Các chất khoáng như Na, Cl và K tham gia vào quá trình điều hòa áp suất thẩm thấu, hoạt động của enzyme trong tế bào và chuyển hóa nước. Na có chức năng trong dẫn truyền chuyển động thần kinh. K có vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi chất, do đó khi thiếu K tôm sẽ bị suy yếu, biếng ăn, thậm chí là chết hàng loạt.
Lưu huỳnh (S) là một thành phần thiết yếu cấu tạo nên vỏ, cũng là thành phần tạo nên một số axit amin quan trọng, vitamin, hormone insulin cùng các nội tiết tố. S được cho là tham gia vào quá trình giải độc các hợp chất trong cơ thể động vật.
2. Các nguyên tố vi lượng
Sắt (Fe)
Fe giữ vai trò quan trọng trong quá trình hô hấp của tôm. Fe có thể được bổ sung thông qua đường thức ăn, Fe hữu cơ kém hấp thu hơn Fe vô cơ.
Đồng (Cu )
Là thành phần nhiều enzyme có tính oxy hoá và có vai trò quan trọng trong vận chuyển máu và hô hấp, là thành phần của sắc tố đen (Melanin). Đối với giáp xác dấu hiệu thiếu Cu là tốc độ tăng trưởng chậm.
Kẽm (Zn)
Zn là chất xúc tác phản ứng hydrat hoá, làm tăng khả năng vận chuyển CO2 và kích thích tiết acid trong dạ dày. Khi thiếu Zn tôm cá giảm tăng trưởng và giảm sức sinh sản.
Kẽm giúp tăng khả năng vận chuyển CO2. Cũng như Cu, nếu thiếu kẽm vật nuôi sẽ giảm sinh trưởng, ảnh hưởng đến khả năng sinh sản.
Nhóm khoáng vi lượng giữ vai trò quan trọng trong chuyển hóa thức ăn và hấp thu dinh dưỡng. Là thành tố chính của một số enzyme quan trọng trong cơ thể. Chức năng bảo vệ tế bào, chống lại những tổn thương do oxy hóa.
Hiểu được vai trò, tầm quan trọng của các nhóm khoáng chất giúp người nuôi có kế hoạch bổ sung khoáng chất cho tôm kịp thời và hợp lý. Giúp tôm đạt được tốc độ tăng trưởng tốt, chắc thịt nặng cân.
Mọi thắc mắc về kỹ thuật hay thông tin sản phẩm trong bài, bà con vui lòng liên hệ qua Hotline 0911 383 533 để được các kỹ thuật viên của công ty trực tiếp giải đáp.
Chúc quý bà con có vụ mùa bội thu!