Ứng dụng của thảo dược trong điều trị bệnh cho tôm
Sử dụng thảo dược tự nhiên để phòng và điều trị bệnh cho vật nuôi là xu hướng nghiên cứu trong thời gian gần đây. Trên thế giới đã có nhiều công trình xác định hiệu quả của việc sử dụng chiết xuất thảo dược giúp tôm, cá tăng trưởng tốt, tăng cường hệ miễn dịch và ức chế vi khuẩn gây bệnh. Dưới đây liệt kê một số loại thảo dược tiêu biểu, đã được chứng minh là có tác dụng tốt đến sức khỏe của tôm nuôi.
1. Chiết xuất cây Thầu dầu
Nghiên cứu của Hồng Mộng Huyền và Võ Tấn Huy được tiến hành nhằm khảo sát hoạt tính của 7 loại thảo dược (thầu dầu, lưỡi rắn, mật gấu, chùm ngây, lược vàng, ô rô và sài đất) đối với một số vi khuẩn gây bệnh trên tôm.
Kết quả nghiên cứu cho thấy chất chiết thầu dầu có hoạt tính kháng khuẩn cao nhất. Khả năng kháng khuẩn của thầu dầu giúp tôm nuôi tăng cường khả năng kháng vi khuẩn V. harveyi gây bệnh phát sáng và V. parahaemolyticus gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính trên tôm.
2. Dịch chiết Nha đam
Nha đam hay còn gọi là cây lô hội có nguồn gốc từ Trung Cận Đông. Các nhà nghiên cứu Mexico đã tiến hành thí nghiệm sử dụng nha đam trong việc tăng cường khả năng kháng bệnh trên tôm thẻ chân trắng cho kết quả khả quan. Cụ thể, khi bổ sung nha đam với tỷ lệ 1g/kg thức ăn với tần suất 2 ngày/lần sẽ giúp tôm bị cảm nhiễm với bệnh đốm trắng và phân trắng, giúp tôm có tỷ lệ sống cao hơn. Đồng thời, không ảnh hưởng đến tỷ lệ tăng trưởng của tôm.
3. Chiết xuất từ Sim
Ở Việt Nam, tác dụng diệt khuẩn của cao chiết lá sim và hạt sim đã được xác định đối với vi khuẩn gây bệnh hoại tử gan tụy cấp tính (V. parahaemolyticus). Trong đó, dịch chiết hạt sim thể hiện hoạt tính kháng vi khuẩn gây AHPND cao hơn so với dịch chiết lá sim (Đặng Thị Lụa và cộng sự, 2015).
4. Dịch chiết Củ riềng
Riềng có tên khoa học là Alpinia officinarum Hance, thuộc họ Gừng. Riềng là nguồn cung cấp dồi dào các chất natri, sắt, chất xơ, Vitamin A, C, flavonoid…. Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng, các chiết xuất từ củ riềng có khả năng ức chế sự tăng trưởng của 8 loài vi khuẩn Vibrio gây bệnh phân trắng. Trong tương lai, loại thảo dược này có thể được dùng để thay thế cho các loại hóa dược sử dụng trong nuôi tôm công nghiệp.
5. Cỏ xạ hương
Cỏ xạ hương có tên tiếng Anh là Thyme, là một loài thực vật có hoa thuộc họ Hoa Môi. Xạ hương có tính kháng khuẩn, kháng nấm và hoạt tính kháng virus.
Nghiên cứu của Osmar Tomaselli và cộng sự năm 2018 đã chứng minh tinh dầu cỏ xạ hương khả năng bảo vệ tôm thẻ chân trắng chống lại WSSV (bệnh đốm trắng) khi bổ sung vào thức ăn tôm.
Thành phần chiết xuất thảo dược được coi là một chế phẩm tự nhiên giúp thay thế hoàn toàn các loại kháng sinh. Chúng có tác dụng giúp phòng, trị bệnh trong nuôi trồng thủy sản. Sử dụng thảo dược cũng được đánh giá là tốn ít chi phí hơn trong quá trình điều trị và không gây độc. Tin rằng với các dữ liệu trên, những thảo dược có tiềm năng tốt sẽ sớm được sản xuất đại trà với chi phí thấp, đến tay người nông dân.
Mọi thắc mắc về kỹ thuật hay thông tin sản phẩm trong bài, bà con vui lòng liên hệ qua Hotline 0911 383 533 để được các kỹ thuật viên của công ty trực tiếp giải đáp.
Chúc quý bà con có vụ mùa bội thu!