Tôm bị bệnh đầu vàng - Phải làm sao

Tác nhân gây bệnh đầu vàng ở tôm là Yellow Head Disease - YHD là một loại virus hình que tên yellow head virus. Virus có bộ gen acid nhân RNA chuỗi đơn, hình que và có màng bao, kích thước 44 x 173 nm.

Bệnh đầu vàng thuộc nhóm các bệnh phổ biến do virus gây ra ở một số loài tôm được nuôi công nghiệp hiện nay như tôm sú, tôm bạc, tôm thẻ chân trắng, …. Tôm mắc bệnh đầu vàng có tỷ lệ chết rất cao, nặng có thể đạt mức 60 - 70% gây thiệt hại kinh tế nghiêm trọng cho hộ nuôi tôm.

Vậy những dấu hiệu của bệnh đầu vàng trên tôm là gì, cách phòng và xử lý như thế nào nếu tôm chẳng may mắc bệnh đầu vàng. Mời bà con theo dõi bài viết sau nhé!

Dấu hiệu của bệnh đầu vàng ở tôm

YHD được coi là bệnh cấp tính do quá trình phát bệnh rất nhanh. Dấu hiệu đặc trưng của bệnh đầu vàng là tôm đột ngột tiêu thụ thức ăn nhiều hơn mức bình thường trong khoảng thời gian ngắn, và bất ngờ ngừng ăn hẳn, 2 - 3 ngày kế tiếp tôm bơi lờ đờ, dạt bờ và chết.

Phần đầu, mang, gan tụy chuyển sang màu vàng nhạt hoặc nâu, toàn thân chuyển sang nhợt nhạt, mất màu sắc đặc trưng, phần giáp đầu ngực phồng lên. Tuy nhiên, những dấu hiệu trên không phải lúc nào cũng được biểu hiện rõ ràng. Bà con nên xét nghiệm mẫu tôm bằng kỹ thuật PCR để có kết quả chính xác nhất.

Kết quả test tế bào máu cho thấy nhân tế bào hồng cầu thoái hóa kết đặc lại hoặc bị phá hủy phân mảnh.

Bệnh thường xảy ra ở các ao nuôi có điều kiện môi trường xấu và những vùng có mật độ thả nuôi cao. Bệnh có thể xuất hiện sau khi thả giống từ 20 - 70 ngày.

Bệnh đầu vàng lây truyền theo hướng ngang, lây nhiễm từ việc tôm khỏe ăn thịt hoặc chất bài tiết của tôm bệnh. Thường thì giáp xác được xem là vật mang virus và là vật chủ trung gian truyền YHV vào ao nuôi tôm. Bệnh cũng có khả năng được các loài chim ăn tôm từ nơi có dịch bệnh mang đến ao tôm khỏe.

Hiện nay chưa có bằng chứng cụ thể YHD lây truyền theo chiều dọc từ tôm bố mẹ sang ấu trùng.

Phòng và trị bệnh đầu vàng trên tôm như thế nào

Cũng giống như nhiều bệnh do virus gây ra, bệnh đầu vàng trên tôm chưa có thuốc trị. Do đó, để hạn chế thiệt hại không đáng có, bà con nên thực hiện nghiêm ngặt các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, như:

Chuẩn bị, nạo vét, phơi rửa đáy ao thật tốt trước khi tiến hành mỗi vụ nuôi.

Ao nuôi nên được rào lưới để ngăn chặn các loài giáp xác trung gian mang mầm bệnh vào ao.

Nước cấp vào ao phải được xử lý, diệt trùng đủ thời gian quy định.

Trong quá trình nuôi cần bổ sung men vi sinh xử lý nước ao để gây hệ vi sinh có lợi cho tôm, kiềm hãm các mầm bệnh và các nhân tố môi trường bất lợi khác như chất thải dư thừa, khí độc trong ao,...

Các yếu tố môi trường khác như oxy, độ kiềm, pH,... được duy trì ở ngưỡng thích hợp.

Đối với dinh dưỡng, bà con thường xuyên bổ sung các khoáng chất thiết yếu, các vitamin (quan trọng nhất là vitamin C tăng sức đề kháng cho tôm).

Nước thải từ ao có tôm bệnh phải được xử lý bằng chất diệt khuẩn trước khi thải ra môi trường bên ngoài.

Đối với những bệnh do virus gây ra như bệnh đầu vàng, việc phòng bệnh lúc nào cũng quan trọng hơn chữa bệnh. Chúc bà con thực hành chăn nuôi tốt!


(*) Xem thêm

Bình luận
Đã thêm vào giỏ hàng